• 08:00 - 19:00
  • 0919563208
  • Đặc Sản Xanh 0

Cây tam thất, tất tần tật những điều cần biết về loại cây này

Bạn hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích nhé!

Cây tam thất là một loại dược liệu quý, giá thành cao và có rất nhiều công dụng quan trọng đối với sức khỏe. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc tất cả mọi điều cần biết, từ đặc điểm nhận dạng, phân loại, cách trồng, cách sử dụng và những câu hỏi thường gặp khác về loại cây này.

Cây tam thất là gì?

Khi nói đến loại cây này, người ta thường nói đến tam thất bắc, hoặc cây tam thất rừng (loại thường được mọi người xem là vị thuốc quý hơn vàng).

Đây là một loại thực vật thuộc họ nhân sâm, phân bố nhiều ở Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, ưa khí hậu quanh năm mát mẻ hoặc lạnh và nhiều bóng râm.

Tên gọi tam thất có nhiều cách lý giải khác nhau. Hoặc là do loại cây này thường có từ 3-7 lá nhỏ trên cùng một cuống lá. Hoặc cũng có cách giải thích khác là từ khi gieo hạt đến khi cây ra hoa là 3 năm, và đến 7 năm thu hoạch củ mới đạt chất lượng cao nhất.

Cây tam thất

Cây tam thất bắc là loài thực vật thuộc họ nhân sâm

Thực tế, hiện có rất nhiều loại cây cùng có tên chung tên tam thất, nhưng không phải loại nào cũng giống nhau về chi họ, đặc điểm sinh trưởng cũng như giá trị dược tính giống nhau.

Vậy cây tam thất có mấy loại? Cây trông như thế nào? Dưới đây chúng tôi sẽ phân loại cụ thể 3 cây loại phổ biến và thường bị gây nhầm lẫn để bạn đọc hiểu rõ.

Phân loại cây tam thất

Tam thất bắc

Tam thất bắc là một trong hai loại quý, có giá trị dược tính cao nhất hiện nay. Chúng có vị ngọt và đắng nhẹ, mùi thơm nhẹ, tính bình hơi ôn. Chúng thuộc họ nhân sâm, được trồng phổ biến ở các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng… những nơi có độ cao từ 1200m -1700m.

Cây tam thất bắc

Minh họa củ tươi, rễ, thân, lá, quả và củ khô của cây tam thất bắc

Về đặc điểm nhận dạng, cây tam thất bắc là loài cây thân thảo, sống lâu năm. Mỗi năm cây sẽ rụi đi một lần và năm sau mọc lại. Từ đó chúng sẽ hình thành các mấu sần sùi trên đầu củ. Thân cây cao từ 30-50cm, lá mọc ở giữa thân.

Mỗi cây thường có 3-4 cuống lá mọc chụm lại từ một điểm vòng quanh trên thân cây. Mỗi cuống lá lại mọc ra từ 3-7 lá nhỏ, xếp tròn lại với nhau hình chân vịt. Mép lá có răng cưa. Hai mặt lá đều có lông cứng.

Mỗi cây chỉ có 1 cuống hoa. Hoa vươn lên từ ngọn thân, mỗi cuống hoa có một và mỗi bông là một cụm gồm nhiều bông nhỏ li ti, tương tự bông súp lơ. Khi là nụ có màu xanh lục hoặc hơi vàng nhạt. Quả mọng, hình cầu và dẹt. Khi chín có màu đỏ tươi, hạt bên trong màu trắng.

Nụ hoa cây tam thất

Nụ hoa cây tam thất bắc

Củ tam thất bắc có nhiều rễ chung bám xung quanh. Khi phơi khô người ta thường cắt lớp rễ này đi, để lại các vết sẹo xù xì. Đây cũng là một trong những đặc điểm nhận dạng của chúng.

Tam thất bắc là một loại cây thảo dược quý, với rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, có thể so sánh với nhân sâm. Cả củ, rễ, thân, hoa, lá và quả của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Trong đó củ và nụ hoa là hai sản phẩm được ưa chuộng nhất trên thị trường, giá cũng cao nhất.

Cây tam thất rừng

Tam thất hoang về bản chất gần giống tam thất bắc. Chúng thuộc họ nhân sâm và sâm ngọc linh, vì vậy các thành phần của chúng đặc biệt quý cho sức khỏe. Loài cây này khá kén chọn nơi sống.

Chúng chỉ sống được ở một số khu vực tại Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn và dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có độ cao từ 1300m- 2300m, nơi có khí hậu lạnh, đất ẩm, nhiều mùn, rừng già với nhiều bóng râm.

Cây tam thất rừng

Củ là lá cây tam thất rừng

Về đặc điểm cấu tạo, cây tam thất rừng cũng gần giống tam thất bắc. Nghĩa là chúng cũng là loài thân thảo, sống lâu năm, mỗi năm cây cũng rụi đi để lại một vết sẹo trên củ (còn gọi là mắt) và năm sau lại mọc lên cây mới.

Lá cũng mọc ở giữa thân và mỗi cây có thường có 3-4 cuống lá mọc chụm lại từ một điểm vòng quanh trên thân cây. Mỗi cuống lá lại mọc ra từ 3-7 lá nhỏ, xếp tròn lại với nhau hình chân vịt. Hoa mọc trên ngọn thân và cấu tạo hoa, quả cũng tương tự tam thất bắc.

Điểm khác biệt của cây tam thất rừng so với tam thất bắc chủ yếu là ở phần củ và rễ. Củ ít rễ hơn, nhưng củ dài loằng ngoằng. Củ càng lâu năm thì càng dài và càng có nhiều mắt.

Do được mọc tự nhiên, cây tam thất rừng được đánh giá là loài có giá trị dược tính cao nhất trong các loại tam thất. Loại đúng họ nhân sâm – tam thất lá tròn (phân biệt với sâm vũ điệp cũng là tam thất hoang nhưng không thuộc họ nhân sâm), có vị ngọt nhẹ và rất đắng, mùi thơm. Loại còn lại có vị đắng gắt, rất khó ăn, mùi hắc.

Hiện nay, do bị khai thác quá mức nên loài cây này càng ngày càng khan hiếm, và giá cũng vô cùng đắt đỏ.

Tam thất nam

Cùng tên gọi tam thất, nhưng tam thất nam lại hoàn toàn khác biệt so với hai loại trên. Đây là loài thực vật thuộc họ gừng, cũng có vị cay đắng tương tự như củ gừng. Vì vậy chúng còn có tên khác là tam thất gừng.

Cây phân bố khá rộng rãi ở Trung Quốc, Lào, Việt Nam… Tại Việt Nam, chúng được trồng ở nhiều khu vực như các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và miền Trung.

Cây và củ tam thất nam

Cây và củ tam thất nam

Về đặc điểm cấu tạo, loài cây này thân thảo, mọc thẳng đứng. Lá mọc từ dưới gốc, màu xanh lục pha tím, hoặc màu xanh lục pha nâu. Mặt lá có các lằn rãnh chạy song song.

Nhìn chung cấu tạo thân, lá của loài cây này tương tự như cây nghệ. Chúng có tốc độ đẻ nhanh rất mạnh, từ một củ con trồng xuống ban đầu có thể đẻ ra hàng chục nhánh khác. Vì vậy chúng cũng thường mọc thành một khóm lớn tương tự như khóm nghệ. Hoa mọc từ gốc cây, màu trắng hoặc pha tím.

Củ thường có hình tròn tương tự trứng chim hoặc giống củ khoai sọ. Vỏ bên ngoài không sần sùi mà nhẵn, cứng, màu trắng xám. Ruột củ bên trong có màu trắng ngà tương tự như khoai.

Tam thất nam là loài cây ưa ẩm, hơi ưa bóng râm và khá dễ trồng. Chúng phát triển tốt trong điều kiện trồng xen với các loài cây khác. Phần trên mặt đất của cây thường tàn và mùa đông. Năm sau từ gốc cây sẽ mọc lên hoa, sau đó mới ra lá mới.

Hoa cây tam thất nam

Hoa cây tam thất nam

Khi cây rụi đi, hoa tam thất nam sẽ mọc lên từ gốc trước khi mầm cây non mới xuất hiện

Ở giống cây tam thất nam, bộ phận duy nhất được sử dụng làm thuốc là củ. Mặc dù có một số thành phần hoạt chất và công dụng tương tự như tam thất bắc hoặc tam thất hoang, nhưng hàm lượng của chúng thất hơn nhiều. Vì vậy tác dụng chữa bệnh không cao và giá cũng thấp hơn nhiều hai loại nêu trên.

Cây tam thất có tác dụng gì?

Mang họ của nhân sâm, cùng với rất nhiều thành phần dược tính giống nhân sâm, vì vậy, tam thất được đánh giá là vị thuốc bổ mang nhân sâm trong việc trợ sức, trợ lực, bồi bổ nguyên khí, tăng sức đề kháng, phục hồi sức khoẻ.

Tuy nhiên, nếu nhân sâm chủ yếu đi vào các tạng, thì tam thất lại đi vào âm huyết là chính, với các tác dụng như hoạt huyết, bổ huyết, tiêu máu ứ, tiêm viêm, tiêu sưng, cầm máu, giảm đau.

Cây chứa một thành phần quý và hết sức quan trọng, đó chính là các saponin. Dù đây là hợp chất có nhiều trong các loại thực vật khác, nhưng ở tam thất, chúng có hàm lượng rất lớn.

Loại già tuổi, chất lượng tốt, hàm lượng này có thể lên tới 12%. Hoạt chất này có rất nhiều công dụng kỳ diệu cho sức khỏe như:
– Kháng khuẩn, kháng viêm và ức chế virus gây bệnh
– Hoạt huyết, cầm máu, tiêu máu ứ, giảm đau
– Chống oxy hóa mạnh, chống lão hóa
– An thần, giảm căng thẳng, mệt mỏi, stress

Ngoài ra còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và 16 axit amin cần thiết cho mọi hoạt động của tế bào, hỗ trợ chống nhiều loại bệnh tật.

Tác dụng của cây tam thất tốt cho sức khỏe

Tam thất có rất nhiều tác dụng kỳ diệu đối với sức khỏe

Với những thành phần đặc biệt kể trên, tam thất mang tới rất nhiều tác dụng quan trọng cho sức khỏe con người. Trong đó, một số tác dụng nổi bật bao gồm:

– Cầm máu, giảm đau, nhanh lành vết thương: Với khả năng rút ngắn quá trình đông máu, chúng có hiệu quả trong việc cầm máu. Mặt khác, nhờ khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, hoạt huyết, tan máu ứ, tam thất giúp giảm đau và giúp vết thương nhanh lành.

Nhờ tác dụng này, chúng đặc biệt cần thiết cho các đối tượng như: phụ nữ sau sinh, người sau phẫu thuật, người bị chấn thương sưng viêm…

– Trị các chứng huyết hư: Với khả năng tăng cường lưu thông khí huyết, kích thích sản sinh huyết mới, cây này giúp điều tiết và đưa máu đi khắp cơ thể.

Vì vậy, cây tam thất giúp khắc phục các chứng bệnh do khí huyết ứ trệ, suy hư như chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, hay quên, da dẻ nhợt nhạt, tàn nhang, nhăn nheo, chậm kinh, bế kinh, tay chân lạnh…

– Điều hòa đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường: Hoạt chất trong cây thảo dược này được chứng minh có khả năng kích thích sản sinh Insulin – chất có nhiệm vụ chuyển hóa đường từ trong máu thành năng lượng. Từ đó, chúng giúp điều hòa đường huyết.

Mặt khác với khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chúng còn có thể hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.

– Phòng và hỗ trợ điều trị ung thư: Công dụng hoạt huyết của chúng có ý nghĩa rất lớn với các bệnh nhân ung thư. Nhờ khả năng thúc đẩy lưu thông máu đến khắp các bộ phận trong cơ thể, trong đó có cả các khối u, tam thất giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh.

Hơn nữa, với khả năng bồi bổ, tăng cường sức đề kháng, tam thất còn trợ sức, trợ lực, kéo dài sự sống cho các bệnh nhân ung thư.

Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp: Xương khớp thoái hóa dẫn đến hệ quả là máu kém lưu thông, khiến khớp dễ bị khô, sưng viêm, đau đớn.

Tam thất với khả năng hoạt huyết, kháng khuẩn, kháng viêm, giúp xương khớp khỏe mạnh hơn, giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh. Đồng thời với khả năng giảm đau, sản phẩm giúp bệnh nhân xương khớp thoải mái, dễ chịu và hoạt động linh hoạt hơn.

Khắc phục tình trạng khó ngủ, mất ngủ: Tam thất có khả năng an thần, chống mệt mỏi, căng thẳng, stress. Sử dụng tam thất 1-2 giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon, ngủ sâu hơn và khắc phục tình trạng mất ngủ.

Bồi bổ cơ thể tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng: Nhờ tác dụng bồi bổ ngang nhân sâm, tam thất giúp tái tạo năng lượng, tăng cường sức khỏe, tẩy huyết cũ, sinh huyết mới, kích thích ăn ngon, ngủ tốt, tăng cường khả năng hấp thụ.

Vì vậy, tam thất là vị thuốc bổ, đặc biệt tốt cho các đối tượng như phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy, người bị suy nhược, đề kháng kém, ăn kém, mệt mỏi…

Cây tam thất có tác dụng gì

Tam thất giúp bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng

Cách trồng cây tam thất bắc

Tam thất bắc là một loài cây khá kén chọn nơi sống, khá khó trồng. Việc trồng loại cây này cần có sự đầu tư, kiên trì, kỹ lưỡng, đảm bảo đúng kỹ thuật mới mang tới hiệu quả. Loài cây này ưa ẩm và ưa bóng râm, phát triển tốt dưới tán rừng hoặc nhà lưới.

Cách trồng cây tam thất

Cây tam thất ưa bóng dâm

Chúng ưa sống ở khu vực vùng núi cao có độ dốc nhẹ, quanh năm mát lạnh (nhiệt độ phù hợp dưới 25oC). Cây chỉ ưa ánh sáng dịu, vì vậy, khi trồng cần đảm bảo độ che phủ 70%, độ chiếu sáng chỉ 30% là lý tưởng nhất. Ngoài ra tam thất cũng ưa ẩm, vì vậy đất trồng cần có nhiều mùn (thảm cây mục) để giữ ẩm.

Chọn đất trồng cây

– Nơi trồng tam thất phải là đất núi cao, độ dốc nhẹ, quanh năm mát mẻ. Bạn có thể trồng dưới tán rừng có độ che phủ cao hoặc là phải xây nhà lưới có mái che. Đất phải là nơi đảm bảo độ ẩm quanh năm, nhiều mùn.

Chuẩn bị giống tam thất

Bạn có thể lấy giống tam thất từ 3 nguồn: Đào cây con tự nhiên mọc hoang về trồng (cách này chỉ phù hợp với những hộ dân ở gần rừng); mua cây con đã ươm mầm hoặc củ giống đã lên mầm từ trại giống; hoặc tự mua rồi ươm hạt (giá sẽ rẻ hơn nhiều).

Giống cây tam thất

Củ giống cây tam thất đã lên mầm

Ở đây chúng tôi sẽ hướng dẫn kỹ hơn về cách ươm hạt:

– Chọn và xử lý hạt giống: Hạt giống nên chọn mua ở những cây già tốt nhất là từ 4 năm tuổi. Chọn loại hạt già, căng mẩy, nặng hạt. Trước khi gieo, cần xử lý bằng cách ngâm trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh (khoảng 54 độC). Ngâm trong 48 giờ thì vớt lên và mang ra vườn gieo.

– Kỹ thuật làm đất vườn ươm: Trước khi làm đất, vườn ươm cần được dọn sạch cỏ dại, tàn dư các loại thực vật. Cày thật kỹ và đập đất nhỏ để đất thật tơi xốp. Đất phải có độ ẩm nhưng khả năng thoát nước tốt. Bón lót cho đất bằng phân hữu cơ hoai mục, sau đó để cho đất nghỉ khoảng 15-20 ngày để diệt sạch mầm bệnh.

– Thời gian gieo hat: Bắt đầu từ tháng 8-9 hàng năm. Sau khi gieo, tầm 1 tháng cây con sẽ nhú lên. Lúc này cần tiếp tục phun sương để giữ ẩm cho đất. Đến tháng 1, tháng 2 năm sau, là có thể đem ra trồng.

Kỹ thuật làm đất vườn trồng cây tam thất bắc

Đất trồng tam thất phải là đất sạch, được dẹp sạch cỏ dại và các tàn dư thực vật, phun thuốc diệt cỏ và sâu bệnh gây hại.

Đất sau đó cần được cày kỹ, đập nhuyễn cho thật tơi xốp, giúp giữ ẩm tốt và đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của cây. Tiếp đó, bón phân hữu cơ hoai mục để tăng hàm lượng dinh dưỡng cho đất. Phơi nắng khoảng 7-10 ngày để diệt sạch nấm, mầm bệnh.

Đất trồng cây tam thất

Đất trồng tam thất phải có độ dốc nhất định

Trước khi trồng cần tiến hành đánh luống. Mỗi luống rộng 1,5m, độ cao luống từ 30-50cm, khoảng cách giữa các luống là 50cm. Lỗ trồng cây sâu 15cm, mật độ 20x20cm/cây. Giữa mỗi luống cần chừa đất để chôn cọc làm giàn che. Mỗi cọc cao khoảng 1,8-2m

Ngoài ra cần chuẩn bị các nguyên liệu như lá khô, hay rơm, trấu… để tạo thảm mục cho cây sau khi trồng.

Kỹ thuật trồng cây

Thời vụ trồng tam thất bắc tốt nhất là vào mùa xuân, thời điểm không quá rét và có những cơn mưa phùn lất phất.

Đất sau khi đã chuẩn bị xong, bạn chỉ cần bứng cây cho vào các lỗ đã đào sắn để trồng. Sau khi trồng, phủ lá khô, rơm, trấu lên để tạo thảm mục. Cuối cùng là tươi nước cho cây.

Trồng cây tam thất phải che phủ tốt

Cây tam thất bắc phải có độ che phủ hợp lý, tránh ánh nắng trực tiếp

Kỹ thuật chăm sóc cây tam thất bắc

Vì là loài cây ưa ẩm, nên trong quá trình chăm bón, cần phải thường xuyên tưới nước cho cây. Bên cạnh đó, cần thường xuyên dọn cỏ để ngăn chặn sâu bệnh.

Trong 3 năm đầu tiên, cây cần dinh dưỡng để sinh trưởng phát triển nên cần phải thường xuyên bón thúc bằng các loại phân bón giàu dinh dưỡng. Ngoài ra mỗi năm một lần phải bón ít nhất một lần phân hữu cơ hoai mục.

Các năm tiếp theo, lúc này cây tập trung nuôi củ, vì vậy cần chú ý giữ và bổ sung lớp mùn cho cây. Mặt khắc cần tăng bón phân hữu cơ, phân vi sinh để tăng dinh dưỡng, tạo điều kiện để củ phát triển tốt nhất.

Cách trồng cây tam thất nam

Cây hoa tam thất nam thường mọc hoang ở các khu vực như ven bờ suối, khe mương, khe núi, vì vậy, đặc điểm của chúng là ưa đất ẩm mát và hơi có bóng râm. Loài cây này sống rất khỏe, sinh sôi nhanh nên việc trồng và chăm sóc đơn giản hơn nhiều so với tam thất bắc.

Thông thường, để trồng cây, người ta chỉ cần tách một nhánh nhỏ củ còn tươi trồng vào đất, tưới đều đặn hàng ngày là cây sẽ sớm mọc và phát triển. Tuy nhiên để cẩn thận hơn, bạn có thể mua giống tại các trại bán giống cây. Ở đó người ta đã ươm mẫm sẵn, chỉ cần mang mầm cây con về trồng.

Tam thất vốn là cây thân mềm, ưa độ ẩm cao, vì vậy khi làm đất trồng, bạn cũng phải chú ý cầy đất kỹ, đập đất nhuyễn để đất tơi xốp khả năng giữ ẩm cao. Ngoài ra, đất trồng cần có nhiều mùn để giữ ẩm. Vì vậy, sau khi trồng bạn nên rắc thêm trấu hoặc lá cây mục dưới gốc để tạo độ xốp và độ ẩm cho đất.

Giống cây tam thất nam

Trồng tam thất nam cần chú ý tạo độ tơi xốp, giữ ẩm cho đất là cây phát triển tốt

Sau khi đánh luống, bạn đào hố, bón lót một nắm phân NPK và một ít phân chuồng, cho củ hoặc mầm ươm sẵn vào trồng và lấp đất lên. Những ngày sau nên tưới cho cây mỗi ngày một lần.

Khi cây đã lên lá, lên thân thì chúng phát triển rất mạnh. Nếu trồng ở khu vực đất ẩm quanh năm, đất phì nhiêu màu mỡ thì không cần phải dưới nhiều. Mỗi năm chỉ cần bón một lần phân là đủ để cây phát triển tốt cho năng suất cao. Còn nếu ở nơi đất khô cằn, sỏi đá thì nên tưới cho cây nhiều hơn, đặc biệt là tạo ra các thảm mục dưới góc để giữ ẩm.

Nhìn chung việc chăm sóc tam thất nam khá đơn giản, gần giống với việc trồng và chăm sóc các loại nghệ, gừng. Loài này cũng khá ít sâu bệnh, nếu có thì có thể xử lý thủ công, không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi trồng 1 năm là cây cho thu hoạch. Tuy nhiên nếu để đến 3 năm thì củ tam thất nam có chất lượng cao nhất.

Giá bán cây tam thất bắc là bao nhiêu?

– Về cây giống: Tam thất có thể được nhân giống theo cách bán hạt giống hoặc bán cây giống đã được ươm sẵn. Đối với hạt giống, giá bán khoảng 25-30.000đ/hạt. Đối với cây đã được ươm mầm sẵn, giá khoảng 150.000đ/cây.

Ngoài ra, cây tam thất đã đến thời kỳ thu hoạch, tất cả các bộ phận trên cây đều có giá trị và được bán với giá cao. Cụ thể:

– Đối với nụ hoa, loại đắt nhất có giá 1,8-2 triệu đồng/kg, loại thứ 2 có giá 1,3-1,5 triệu đồng/kg. Còn hoa (loại mới nở hoặc loại đã hình thành quả) có giá từ 400-600 nghìn đồng.

– Đối với hạt, giá bán khoảng 200-300.000đ/kg hạt khô

– Đối với thân và lá: Loại tươi khoảng 200.000đ/kg, loại khô khoảng 300-500.000đ/kg

– Đối với rễ tam thất, giá bán khoảng 500-700.000đ/kg khô

Rễ cây tam thất

Rễ cây tam thất

– Đối với củ tam thất bắc, loại tươi, giá giao động từ 500-700.000đ loại nhỏ, 800-1,2 triệu loại to. Củ tam thất bắc loại khô cũng có nhiều mức giá khác nhau. Loại to 30-40 củ/kg, giá từ 1,8-2,5 triệu đồng. Loại củ nhỏ 60-90 củ/kg, giá từ 1-1,5 triệu đồng.

Giá cây tam thất nam

Giống tam thất nam có 2 loại, hoặc là củ giống hoặc là mầm đã được ươm sẵn. Đối với loại củ giống, giá bán khoảng 15.000đ/củ. Đối với loại đã được ươm mầm, khoảng 20-25 nghìn đồng/củ.

Đối với sản phẩm củ tam thất nam, giá bán phổ biến trên thị trường khoảng 250-350.000đ/kg. Tuy nhiên loại củ to, lâu năm giá có thể lên đến 400 hoặc 500.000đ/kg.

Cách trồng cây tam thất nam

Cách trồng cây tam thất nam

Mua bán giống cây tam thất ở đâu?

Giống cây tam thất hiện nay được bán ở khắp nơi, từ chợ truyền thống cho đến các shop online, với nhiều mức giá và chất lượng khác nhau.

Tại đây, khách hành có thể tìm được đủ loại giống theo nhu cầu như hạt giống, Cây tam thất bắc non; Củ mầm tam thất bắc, củ giống tam thất nam, mầm tam thất nam, thậm chí cả cây và hạt giống cây tam thất rừng.

Để mua được giống tam thất, bạn có thể tìm mua trên các sàn thương mại điện tử, thanh toán online và được chuyển hạt/cây giống về tận nơi. Hoặc bạn cũng có thể tìm đến các trại giống, trực tiếp đến xem và mua hàng.

Trại giống cây tam thất

Cây tam thất bắc giống tại trại giống

Cách ngâm rượu cây tam thất

– Đối với tam thất bắc: Cả thân, lá, rễ, củ, hoa và quả tam thất bắc đều có thể được dùng để ngâm rượu. Nếu bạn có trọn bộ một cây tam thất hoàn chỉnh và một bình rượu phù hợp để ngâm thì vô cùng đẹp mắt, ấn tượng. Ngoài ra, bạn cũng có thể ghép phần củ tươi vẫn còn rễ cùng với thân, hoa lá rời, sắp xếp một cách nghệ thuật cũng sẽ được một bình rượu quý bắt mắt.

Trước khi ngâm rượu, bạn cần xử lý thật sạch sẽ phần củ và rễ cây. Nên lấy bàn chải đánh răng chà kỹ hoặc vòi xịt rửa xe, xịt mạnh vào các kẽ của chúng để rửa trôi hết đất cát. nếu là củ khô thì bạn đem rửa sạch, cắt bỏ phần hỏng, mốc nếu có. Sau khi rửa, để thật khô ráo, có thể để cả củ hoặc thái lát trước khi ngâm.

– Tỷ lệ: 1kg củ tươi/8 lít rượu 40 độ; 1kg củ khô/ 9-10 lít rượu 40 độ

Cây tam thất ngâm rượu

Bình rượu có cả củ, rễ, thân, lá, quả tam thất bắc rất sang trọng, ấn tượng

Nếu là ngâm nụ hoa tam thất bắc, chỉ cần rửa sạch nụ hoa với nước rồi để cho khô ráo hoàn toàn là có thể ngâm. Tỷ lệ: 1kg nụ hoa tươi/8-9 lít rượu trắng 40 độ; 1kg nụ khô/20 lít rượu trắng.

– Đối với cây cây tam thất rừng: Cách sử dụng các bộ phận trên cây và cách xử lý trước khi ngâm cũng tương tự như trên.

Tuy nhiên củ tam thất hoang thường rất dài, vì vậy nên để nguyên củ và chọn loại bình có chiều cao phù hợp nhìn sẽ đẹp mắt hơn.
Tỷ lệ: 1kg củ tươi/15-20 lít rượu 40 độ; 1kg củ củ khô/20 lít rượu trắng 40 độ.

– Đối với tam thất nam: Bộ phận duy nhất sử dụng được loại cây này là củ. Củ tam thất nam tươi, trước khi ngâm rượu bạn cũng cần xử lý cho sạch sẽ. nên cạo lớp vỏ bên ngoài rồi ngâm với muối khoảng 1 giờ để loại bỏ hết nhựa. Sau khi ngâm, vớt ra rửa sạch lần nữa rồi phơi cho thật khô ráo. Bạn cũng có thể để nguyên củ hoặc thát lát trước khi ngâm.

Tỷ lệ: 1kg củ tươi/7 lít rượu trắng 40 độ, 1kg củ khô/8 lít rượu trắng 40 độ

Sau khi đã thực hiện xong tất các các bước chuẩn bị như trên, thì cách ngâm rượu cây tam thất vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần xếp các nguyên liệu đã khô vào bình, đổ rượu theo tỷ lệ như trên, sao cho rượu ngập hoàn toàn. Đậy nắp lại, ngâm trong thời gian 5- 6 tháng đối với các loại củ, 2-3 tháng đối với nụ là có thể dùng được.

Câu hỏi thường gặp về cây tam thất

Rễ cây tam thất có tác dụng gì?

Người ta hay gọi là củ hay rễ củ tam thất, bởi vì thực chất củ tam thất chính là phần rễ được phình to ra. Phần rễ nhỏ không phình to sẽ được cắt đi trước khi củ được đem đi phơi khô. Sau khi cắt đi, người ta sẽ phân loại ra rễ củ, rễ nhánh, thân rễ.

Như vậy có thể nói, rễ tam thất cũng là bộ phận quý của cây, có phẩm chất gần như củ tam thất.

Dù thành phần dinh dưỡng và hàm lượng dược chất ít hơn đôi chút so với phần củ, nhưng rễ tam thất cũng có tất cả những tác dụng quan trọng mà chúng tôi đã nói ở trên như: Bồi bổ khí huyết, phụ hồi cơ thể suy nhược mệt mỏi, cầm máu, giảm đau, nhanh lành vết thương, điều hòa đường huyết, huyết áp, phòng và hỗ trợ điều trị ung thư…

Rễ cây tam thất có tác dụng gì

Rễ tam thất bắc cũng là bộ phận quý của cây, có phẩm chất gần như củ tam thất.

Cây tam thất được trồng ở đâu?

Trước hết là cây tam thất bắc trồng ở đâu? Ở Việt Nam, loài cây này được trồng nhiều chủ yếu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện thổ nhưỡng như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái…

Tuy nhiên, thực tế ở những tỉnh này cũng chỉ một số nơi trồng được, nên diện tích cũng khá hạn chế. Gần đây còn phát triển trồng ở một số tỉnh như Kon Tum, Đà Lạt.

Đối với cây tam thất nam, loại này dễ trồng hơn. Nơi trồng chỉ cần là chỗ ẩm mát, ven sông hay bờ suối là được. Vì vậy chúng phân bố rộng rãi hơn, ở một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang… các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh Tây Nam Bộ (như Long An) và một số địa phương ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như (Nghệ An, Thanh Hóa).

Cây tam thất được trồng ở đâu

Cây tam thất được trồng ở đâu

Cây tam thất có trồng được ở đồng bằng không?

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần biết cây tam thất mọc nhiều ở đâu? Và thường sống ở đâu? Cây tam thất bắc đòi hỏi môi trường sống rất đặc biệt.

Chúng chỉ thích hợp với khu vực núi cao từ 1200m so với mặt nước biển, nơi có độ che phủ bóng mát lớn, độ dốc nhất định và quanh năm mát lạnh (từ 20-25 độ C). Vì vậy cây không thích hợp cho các vùng nắng nóng hoặc đồng bằng.

Thực tế, một số nơi ở đồng bằng, thậm chí một số hộ ở ngoại thành Hà Nội (như Đông Anh) cũng đã trồng thành công loại cây này. Song những nơi này nếu có trồng được cũng rất khó khăn, sản lượng thấp, chi phí cao và đòi hỏi người chăm sóc phải có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt.

Đối với cây tam thất nam, vì loài cây này khá dễ thích nghi nên có thể trồng được ở vùng đồng bằng. Việc trồng chỉ cần đảm bảo được độ ẩm, độ mùn cho đất và độ che phủ vừa phải, tốt nhất là trồng dưới các tán cây.

Tam thất phù hợp trên núi cao xứ lạnh

Tam thất thích hợp trồng trên các vùng núi cao

Cây tam thất có hoa không?

Tất cả các loài cây tam thất đều có hoa. Trong đó, nụ và hoa tam thất bắc, tam thất hoang đều có giá trị cao và đều được sử dụng làm dược liệu. Hoa sau khi già sẽ hình thành quả mọng, có hạt ở bên trong. Quả này cũng có giá trị và cũng được sử dụng làm dược liệu.

Đối với cây tam thất nam, khi cây rụi đi vào mùa đông thì mùa xuân năm sau, hoa của chúng sẽ mọc lên trước khi lá non xuất hiện. Hoa lưỡng tính, màu trắng hoặc trắng pha tím. Tuy nhiên, ít khi hoa của chúng hình thành quả. Hoa tam thất nam không có giá trị dược tính nên không được sử dụng.

Nụ hoa cây tam thất

Nụ hoa tam thất bắc

Cây tam thất tên khoa học và tên tiếng Anh là gì?

Cây tam thất bắc có tên khoa học là Panax pseudoginseng, họ nhân sâm (Araliaceae). Tên tiếng Anh là False gingseng. Tam thất nam có tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep, họ gừng (Zingiberaceae). Cây tam thất rừng có tên khoa học là Panax stipuleanatus.

Tên gọi khác cây tam thất?

– Đối với tam thất bắc, chúng còn có nhiều tên gọi khác như nhân sâm tam thất, sâm tam thất, thổ sâm, huyết sâm, điền tâm thất, Điền thất, Kim bất hoán, điền thất nhân sâm, tam sao thất bản.

– Đối với tam thất nam, chúng còn có tên gọi khác là tam thất gừng, khương tam thất.

– Đối với tam thất hoang, chúng còn có tên gọi khác là tam thất rừng, sâm rừng, trúc tiết nhân sâm, hoàng liên thất

Mật độ trồng cây tam thất như thế nào?

Mật độ trồng tam thất bắc là 20x20cm/cây. Tức 1 mét vuông trồng từ 16-20 cây. Đối với tam thất nam, loại này đẻ rất nhiều, bụi cây lớn, vì vậy mật độ phải thưa hơn, tầm 40x40cm/lỗ trồng cây.

Cách nhận dạng cây tam thất

– Đối với tam thất bắc: Củ tam thất bắc tươi có hình dạng tròn hoặc dài. Phần củ chính phình to, xung quanh có rất nhiều mấu, các rễ con và rễ to, tạo thành chùm rậm rạp.

– Củ tam thất bắc khô sau khi đã cắt hết rễ có hình con quay hoặc hình trụ, phần đầu có rất nhiều mấu, sần sùi.

Chúng thường có màu xám đen hoặc xám xanh xen các vằn nâu vàng dưới các kẽ). Củ càng già thì càng có nhiều màu đen nhiều hơn ở cả vỏ và ruột. Chúng rất cứng, không thể dùng tay bẻ hoặc dùng răng cắn vỡ, cũng không thể dùng dao thái bình thường, mà phải chặt ra.

Củ tam thất bắc

Củ tam thất bắc khô có hình con quay hoặc hình trụ, phần đầu có rất nhiều mấu, sần sùi

– Đối với củ tam thất hoang: Chúng có đặc điểm là dài loằng ngoằng, không có nhiều rễ con như tam thất bắc. Trên thân củ có rất nhiều mắt. Đó là dấu vết của những cây mẹ hàng năm rụi đi để năm sau ra cây mới. Vì vậy củ càng dài, càng nhiều mắt thì càng chứng tỏ lâu năm.

Phần ruột bên trong có nhiều màu khác nhau như ruột vàng, ruột trắng, ruột màu xám ghi (tím khoai môn), màu đỏ tía hoặc màu xanh. Song dù màu sắc khác nhau thì chất lượng của chúng hầu hết là ngang nhau.

Củ cây tam thất hoang

Củ tam thất hoang dài loằng ngoằng và nhiều mắt

– Đối với tam thất nam: Củ màu trắng xám, hơi tròn, hình dạng gần giống củ khoai sọ. Loại củ này cũng khá cứng, ruột bên trong cũng có màu trắng tương tự khoai.

Củ tam thất nam

Củ tam thất nam gần giống củ khoai sọ, có màu trắng xám

Một số mô hình trồng cây tam thất bắc thành công

Tam thất bắc đang là loài cây trồng cho giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhiều người vươn lên làm giàu.

Nói đến mô hình trồng thành công, có thể kể đến chị Vũ Thị Nhung, ở thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Từ năm 2014, nhận thấy tiềm năng của cây tam thất.

Vì vậy vợ chồng chị đã đầu tư trồng với diện tích khoảng 2500m2. Ba năm đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, tổng thu nhập từ vườn tam thất chỉ được 200 triệu đồng. Năm tiếp theo, chị đầu tư 600 triệu đồng để trồng 0,7ha vườn ươm cây giống và 1ha trồng củ tam thất.

Hiện nay, gia đình chị không chỉ chủ động được nguồn giống để mở rộng diện tích, mà còn là nguồn cung giống tam thất cho nhân dân quanh vùng. Riêng bán cây giống và nụ hoa, mỗi năm chị thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ước tính sau ít năm nữa, gia đình chị có thu nhập hàng tỷ đồng từ việc bán nụ và củ tam thất.

Ngoài trồng cây tam thất, chị Nhung còn đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến các sản phẩm từ cây hoa tam thất, như dây chuyền sản xuất chè túi lọc tam thất. Hiện chị Nhung đang quản lý Hợp tác xã Mản Thẩn. Mô hình trồng cây cây tam thất của chị Nhung là một điển hình ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Mô hình trồng cây tam thất tại Lào Cai

Mô hình trồng cây tam thất tại Lào Cai

Một mô hình trồng tam thất thành công khác là anh Đặng Quang Trung, cựu kỹ sư toán tin của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên anh đã bỏ phố lên Nậm Mòn (Bắc Hà, Lào Cai) để nghiên cứu và trồng cây tam thất.

Hiện anh đang có vài ha tam thất ở thôn Cồ Dề Chải (xã Nậm Mòn, Bắc Hà) và ở Si Ma Cai. Anh cũng đang tiếp tục thử nghiệm trồng tam thất ở gần rừng tự nhiên ở các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ngoài bán tam thất thành phẩm, anh còn sản xuất cây tam thất giống để bán cho các dự án được đặt hàng hoặc bán lẻ cho bà con quanh vùng.

Mô hình trồng tam thất của anh được đông đảo mọi người biết đến. Vì vậy nơi đây cũng là nơi đón tiếp nhiều đoàn khách tham quan, tìm hiểu và mua sản phẩm.

Cách trồng tam thất trong chậu

Ngoài việc trồng tam thất làm kinh tế, nhiều người còn thích trồng trong chậu để làm cảnh. Cách trồng tam thất bắc và cây tam thất rừng trong chậu như sau.

– Chuẩn bị vật dụng: Chậu (chậu nhỏ hoặc chậu to để sau này không cần phải thay chậu), hạt hoặc cây giống, đất sạch giàu dinh dưỡng, tơi xốp + vỏ trấu hoặc xơ dừa, mụn xơ dừa; phân hữu cơ hoai mục, (có thể mua đất sạch đóng bao sẵn), thuốc trừ nấm.

– Về giống cây tam thất, bạn có thể mua cây đã ươm sẵn trong bầu, hoặc có thể tự mua hạt giống và tự gieo hạt.

Tiến hành gieo hạt: Đất trồng sau khi đã trộn đều với phân hoai mục cho vào chậu hoặc khay ươm. Phun thuốc trừ nấm lên đất để diệt sạch mầm bệnh (nếu mua đất sạch thì không cần bước này).

Trồng cây tam thất trong chậu

Trồng cây tam thất trong chậu

Hạt cây tam thất sau khi mua về ngâm trong nước ấm, 3 sôi hai lạnh (tầm 50 độ C trong vòng 48 giờ. sau đó bạn cho ra chậu hoặc khay để gieo hạt. Hoặc để chắc chắn hơn, bạn có thể tiến hành như sau:

Hạt sau khi ngâm, cho vào tờ giấy ăn gấp lại thành nhiều lớp để ủ hạt. Vảy cho giấy ẩm rồi cho vào một hộp đậy nắp kín lại. Để chỗ mát mẻ. Trong quá trình đó, luôn kiểm tra để giấy luôn trong trạng thái ẩm. Để như vậy sau 5-15 ngày, hạt sẽ nảy mầm. Lúc này bạn mới mang ra đất đã chuẩn bị sẵn để gieo hạt.

Hạt sau khi gieo, bạn phủ các loại vỏ trấu, xơ dừa lên làm lớp mùn giữ ẩm. Tưới nước và chú ý giữ độ ẩm thích hợp, không được để đất khô, nhưng cũng không được quá ướt.

Đảm bảo nhiệt độ thích hợp từ 20-25 độ C. Đặt khay gieo mầm nơi có ánh sáng vừa phải, lưới che phủ màu đen loại 50% là vừa vì hạt cần ánh sáng để nảy mầm. Nếu cường độ ánh sáng quá mạnh và chiếu trực tiếp sẽ làm khô đất và mầm không lên được.

Sau khoảng 5-6 tháng, cây con phát triển tốt, thân đủ cứng cáp, rễ mạnh, bạn có thể bứng cây vào các chậu khác nhau, hoặc chuyển sang chậu to hơn để dễ chăm sóc và cây rễ phát triển.

Trong quá trình chăm sóc, điều quan trọng là cần phải thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây. Xới đất, bổ sung lớp mùn để đất tơi xốp, đảm bảo độ ẩm.

Mỗi năm, nên bón thúc vài lần bằng phân bón giàu dinh dưỡng để cây phát triển và bón một lần phân chuồng hoai mục. Đến năm thứ 3, khi cây tập trung nuôi củ, bạn cần tăng bón các loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng để củ có điều kiện phát triển tốt nhất.

Kỹ thuật trồng tam thất nam trong chậu

Đối với cây tam thất nam, kỹ thuật trồng đơn giản hơn một chút. Về dụng cụ và vật liệu trồng cũng tương tự như trên. Sau khi mua củ giống về, bạn chỉ cần cho vào đất đã chuẩn bị sẵn, lấp đất, phủ mùn trấu/xơ dừa lên, tưới và giữ độ ẩm thích hợp. Một thời gian sau cây nảy mầm.

Bạn có thể tách ra trồng trong nhiều chậu hoặc chuyển sang chậu to hơn để chăm sóc. Việc chăm sóc loại cây không đòi hỏi quá cầu kỳ. Chỉ cần thường xuyên giữ ẩm, bổ sung lớp mùn. Ngoài ra mỗi năm nên bón thúc một lần để cây phát triển.

Trồng cây tam thất nam trong chậu

Trồng cây tam thất nam trong chậu

Nếu quý khách muốn mua sản phẩm tam thất chất lượng, nguồn gốc rõ ràng hãy để với dacsanxanh.com.vn. Sản phẩm của dacsanxanh.com.vn được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tới tay người tiêu dùng.

Qúy khách có thể tham khảo chính sách vận chuyển để biết thêm thông tin.

Qúy khách có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan:

Trên đây là tất tật mọi thắc mắc về cây tam thất. Đây là một loại dược liệu quý, rất có giá trị đối với sức khỏe con người. Việc trồng cây tam thất, nhất là tam thất bắc đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn. Vì vậy chất lượng và giá cả sản phẩm trên thị trường chênh lệch nhau đáng kể, xuất phát chủ yếu từ nguồn gốc sản phẩm.

930f2eafbd3df0b7c399cd2c5a998e77?s=120&d=identicon&r=r

Đặc sản Xanh

Đặc sản Xanh là nơi cung cấp các sản phẩm chất lượng, giá tốt, giao hàng nhanh chóng, đảm bảo uy tín 100%. Lấy uy tín chất lượng làm nên thương hiệu.

Website
Bạn hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích nhé!

© Bản quyền thuộc về dacsanxanh.com.vn

0919563208